Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Kính ngày: 21 - 11

Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Do-thái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Sa-mu-en và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thuyết bảo rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

Hôm nay Hội thánh mầng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ nầy mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giê-rôm, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, chính đó là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Au-tinh: "Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người".

Như thế, chính Đức Ma-ri-a là Đền thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.

Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống.

Quyết tâm: Noi gương Đức Mẹ, tôi dâng mình hằng ngày cho Chúa, hiến trọn đời sống tôi để làm theo ý Chúa, chăm chỉ lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy suốt đời.

Lời nguyện: Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hợp mầng Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển. Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu, mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc.

Lịch Phân Công Giúp Lễ Chúa Kito Vua

Thứ 7 (22/11/2014) Lễ Thánh Cecilia - Bổn mạng Ca đoàn Cecilia 
17h30: Nhật - Khang - Phúc - Sang

Chúa nhật (23/11/2014) Lễ Chúa Kito Vua Vũ Tr
19h00: Vũ - H.Anh - Dương - T.Minh 
05h00: Chiến - Hưng - C.Tâm - M.Trí
17h30: Tú - Hoàng - Khoa - Đức(L)


P/s: Tất cả Lễ sinh có mặt lúc 17h00 đồng phục vàng rước kiệu Chúa Kito Vua, tham dự Thánh lễ và sau đó họp.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Ơn Đại xá và Tiểu xá trong Giáo hội Công giáo


Hỏi: Trong tuần lễ đầu của Tháng Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, Hội Thánh có ban ơn Đại xá và Tiểu xá cho những ai viếng nhà thờ và nghĩa địa. Xin cho biết ý nghĩa và cách thức được lãnh nhận các ân xá như thế nào?

* Theo Tông hiến “Học thuyết về các ân xá - indulgentiarum doctrina” [xc. Tông hiến ở cuối bài viết] của Đức giáo hoàng Phao-lô VI (nay là Chân phước 19/10/2014) công bố ngày 1/1/1967, có hai loại ân xá trong Giáo hội Công giáo: Đại xá (còn gọi là Toàn xá, indulgence plénière) và Tiểu xá (indulgence partielle). Việc phân loại này xét theo việc tha toàn bộ hay một phần hình phạt của tội. Quyền ban ân xá này Giáo hội nhận được từ nơi Đức Ki-tô, và ban ân xá với mục đích để tha các hình phạt đáng chịu vì đã phạm tội. 
Tông hiến của Đức Phao-lô VI xác định việc lãnh nhận các ân xá như sau: 
 
1. Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá cho mình, hoặc nhường cho các linh hồn trong luyện ngục.
 
2.Ơn Tiểu xá được ban khi người tín hữu thực hành một số việc lành phúc đức do Hội Thánh quy định, với điều kiện thật lòng ăn năn và từ bỏ các tội đã phạm.
 
3.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi, trừ trường hợp nguy tử. Để lãnh ơn Đại xá trong trường hợp nguy tử, người hấp hối cầm thánh giá Chúa Ki-tô và tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Người.
 
4.Những điều kiện thông thường để lãnh ơn Đại xá: thực hiện một công việc do Giáo hội chỉ định, xưng tội riêng, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng.
 
5.Có thể xưng tội riêng trước hoặc sau ngày so với lúc thực hiện công việc do Hội Thánh chỉ định. Tuy nhiên, để được ơn Đại xá cần phải rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng đúng vào ngày được chỉ định.
 
6.Có thể xưng tội riêng một lần để lãnh ơn Đại xá, tuy nhiên mỗi lần rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi.
 
7.Để hoàn tất điều kiện “cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng”, người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng (hoặc một kinh nào khác do lòng sùng kính riêng), đồng thời hướng ý cầu nguyện về Đức giáo hoàng.
 
8. Bản quyền giáo phận có thể cho phép tín hữu lãnh ơn Đại xá khi chưa xưng tội riêng hoặc chưa thể rước lễ vì những lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, người này phải dốc lòng ăn năn tội, cùng có ý hướng xưng tội và rước lễ sớm nhất có thể.
 
9.Người tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá khi đi viếng bất cứ nhà thờ nào, kể cả các nhà nguyện vào ngày 2/11, ơn Đại xá này được dành cho các linh hồn nơi luyện ngục. Ngoài ra, các tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá hai lần nữa trong một năm khi đi viếng nhà thờ giáo xứ của mình: Một lần vào ngày lễ Bổn mạng. Một lần vào ngày 2/8 (ngày ân xá của nhà thờ Portioncule) hoặc ngày do Bản quyền giáo phận chỉ định. Cũng có thể lãnh ơn Đại xá vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau hai ngày trên, với sự chấp thuận của Bản quyền giáo phận.
 
10.Khi Bản quyền giáo phận chỉ định đi viếng một nhà thờ hay một trung tâm hành hương để lãnh ơn Đại xá, thì người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính lúc viếng nhà thờ này như điều kiện để lãnh ơn Đại xá.
 
11.Khi người tín hữu dùng một đồ vật thánh đã được linh mục làm phép như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… sẽ nhận được ơn Tiểu xá. Còn nếu các đồ vật này được Đức giáo hoàng và Đức giám mục làm phép, thì sẽ nhận được thêm một ơn Đại xá vào ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô (29/6) với điều kiện phải đọc một kinh Tin Kính vào ngày lễ này.
 
12.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi.
 
13. Các ơn Đại xá chỉ được ban vào các ngày được Tòa Thánh xác định, theo lợi ích chung của Giáo hội hoàn vũ, hoặc do lời thỉnh cầu của Bề trên Thượng cấp Hội Dòng, hay của Đấng Bản quyền địa phương.
 
**Ngày 29/6/1968, Tòa Xá Giải Tông Tòa đã cho công bố tập “Enchiridion Indulgentiarum” để hướng dẫn cách chi tiết việc thực thi Tông huấn “Học thuyết về các ân xá - indulgentiarum doctrina” của Đức Phao-lô VI. Ngoài 13 điểm kể trên, tập tài liệu này còn nêu lên những điểm cơ bản cần lưu tâm:
 
1) Không ai được lãnh hộ ân xá cho người còn sống, nhưng có thể nhường ân xá cho những người đã qua đời.
 
2)Người tín hữu có lòng sám hối thật và thực hiện một việc lành có ân xá, thì được tha hình phạt tạm tùy theo công việc mình làm.
 
3) Không còn áp dụng Tiểu xá mấy ngày hay mấy năm nữa. Cũng loại bỏ các ân xá về cá nhân, nơi chỗ, sự vật theo cách thức thực hành cũ. Từ nay chỉ nói đến ân xá do việc lành đã làm.
 
4)Giám mục, Giám quản giáo phận có quyền ban ơn Tiểu xá trong giáo phận mình. Ngài cũng có quyền ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Đại xá ba lần trong một năm, vào các dịp lễ trọng do ngài ấn định.
 
5)Khi viếng nhà thờ để lãnh ân xá, thì thời gian viếng được tính từ trưa ngày hôm trước đến nửa đêm ngày hôm sau.
 
6) Khi các đồ vật thánh có ân xá như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… bị hư hỏng không sử dụng được nữa hay bị đem bán, thì không còn hiệu lực về ân xá.
 
7)Linh mục giải tội có thể thay đổi việc làm cho các hối nhân để họ lãnh được ân xá, khi những người này không có khả năng thi hành những điều kiện phải giữ để hưởng một ân xá do Giáo hội quy định.
 
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
Chánh Xứ giáo xứ Vườn Xoài, TGP. Sài Gòn