Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - Tiến sĩ Hội Thánh

Mừng kính ngày: 01 - 10

Gương Thánh nhân: "Ôi Giê-su, Tình yêu của con, con đã khám phá ra ơn gọi của con: đó là TÌNH YÊU! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong Hội thánh. Và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con ở trong lòng Hội thánh, Mẹ của con; con sẽ là tình yêu, và như vậy, con sẽ là tất cả..." Đó là con đường nhỏ mà thánh trinh nữ Têrêsa Giêsu Hài đồng đã đi suốt cuộc đời thánh thiện đặc biệt của Ngài.
Thánh nữ sinh tại Alencon, nước Pháp, ngày 2 tháng 1 năm 1973, trong một gia đình đạo đức với 9 người con, nhưng chỉ con sống 5 người con gái và đều là nữ tu dòng Kín.
Ngài là con út trong nhà, nên được mẹ thương lo lắng dạy bảo nhiều. Nhưng mới lên 4 tuổi, ngài đã mất mẹ; một đau đớn mất mát lớn lao đối với tuổi thơ ấu của Ngài. Ngài dâng cho Chúa tất cả nỗi buồn khổ đó để cầu cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, vì ngài nhớ lời mẹ nói: Chúa Giêsu chịu chết đau khổ vô cùng vì kẻ có tội, nhưng họ thờ ơ lãnh đạm đối với tình thương của Người, nên cần phải cầu xin cho họ được ơn hối cải.
Năm 9 tuổi, thánh nữ ngã bệnh nặng. Ngài cầu xin Đức Mẹ cứu chữa, và hứa khi mạnh lại sẽ dâng mình cho Chúa theo các chị ngài. Và Đức Mẹ đã nhậm lời, cho ngài khỏe mạnh lại.
Từ đó, thánh nữ luôn ước muốn vào Dòng Kín, nhưng vì tuổi còn nhỏ, nhà dòng không nhận. Mãi đến năm 15 tuổi, ngài cũng chưa được nhận vào dòng, ngài phải đi Rôma xin Đức Giáo Hoàng Lêô XII miễn chuẩn mới được vào, và gọi là Têrêsa Hài Đồng Giê-su.
Cuộc sống trong Dòng Kín là cả một thăng tiến đàng thiêng liêng của thánh nữ, bằng những hy sinh khổ nhọc ngài sẵn sàng chấp nhận hằng ngày, vì lòng mến Chúa thương người. Chính do con đường hy sinh nầy mà Thiên Chúa đã tôn vinh Con Một của Người, và cũng nhờ con đường nầy mà Ngài đào tạo thánh nữ thành vị thánh cả.
Như chúng ta đã biết: châm ngôn sống của thánh nữ là TÌNH YÊU, yêu Chúa yêu người, với tất cả tấm lòng khiêm cung nhỏ bé như trẻ thơ tin yêu phó thác vào cha mẹ. Yêu Chúa, ngài hiến toàn thân vì Chúa; thương người, ngài sẵn lòng chịu cực chịu khó phục vụ mọi người. Dù có gian khổ, dù có bị hiểu lầm khinh bỉ, ngài không buồn phiền than trách, một vui lòng đón nhận tất cả cách hân hoan phấn khởi. Sách "MỘT TÂM HỒN" do ngài viết để lại đã nói rõ điều đó, ngài viết: "Đức ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì tất phải có bộ phận rường cột và ưu tú hơn cả. Tôi hiểu Hội thánh có một tấm lòng và tấm lòng nầy cháy lửa yêu mến. Tôi hiểu chỉ có lòng mến thúc đẩy mọi phần tử trong Hội thánh hoạt động, và nếu nó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị Tử đạo không còn đổ máu nữa. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi, lòng mến là tất cả, lòng mến bao quát mọi không gian và thời gian, và tắt một lời, lòng mến thì vĩnh cửu".
Chính lòng mến thiết tha trong khiêm tốn phó thác đã dẫn đưa thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu lên tới tuyệt đỉnh trọn lành, và hoàn tất cuộc đời trong an bình thánh thiện.
Thánh nữ qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897, với tuổi 24 và chỉ 28 năm sau, ngài đã được tôn lên Hiển Thánh, do Đức Giáo Hoàng Piô XI, và được chọn làm thánh Bổn mạng các xứ truyền giáo.

Quyết tâm: Hằng ngày tập sống mến Chúa yêu người, sẵn sàng hy sinh chịu khó làm mọi việc vì Chúa và vì anh chị em trong khiêm nhu phó thác, theo gương thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Đồng.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mà bước đi trên con đường phó thác, để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh nhan.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Phẩm Trật Các Thiên Thần

Theo ông Dionysius, một tác giả sống vào thế kỷ thứ 5, trong cuốn sách tựa đề "Phẩm Trật Trên Trời", đã công nhận 9 cấp bậc thiên thần (mỗi cấp bậc có nhiều thiên thần), phân làm 3 phẩm trật:


I. Phẩm trật 1: là phẩm trật túc trực Thiên Chúa, gồm có:
Nhiệt thần (Seraphim), Tuệ thần (Cherubim) và Bệ thần (Throni). "... tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Ðền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Ðức Chúa các đạo binh là Ðấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Ðền Thờ khói toả mịt mù." (Isaia 6:1–4). Lucife (kẻ phát sinh ánh sáng, người mang ánh sáng) cũng là một trong số các Seraphim. Các Tuệ thần (Cherubim) chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong sự quan phòng và trong kế hoạch tạo dựng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa. Cherubim nghĩa là đầy sự khôn ngoan. Các ngài được nói đến trong sách Sáng Thế (3,24). Thiên Chúa không cho ông bà nguyên tổ sống trong vườn Eden nữa vì họ đã không vâng lời Người. Các Cherubim được sai đến canh giữ vườn với thanh gươm ánh sáng (St 3, 24). Người ta còn thấy các Cherubim trong các bức tượng nơi đền thờ trên Hòm bia giao ước (1V 6, 23-29; Xh 25, 18t). Các vị được mô tả với thân hình nửa người nửa thú: thân trên là người, thân dưới có bốn chân và bốn cánh (Kh 4, 8). Các Bệ thần chiêm ngắm Thiên Chúa toàn năng và xét xử. Bệ thần biểu trưng quyền thẩm phán và xét xử, nghĩa là ngai tòa.

II. Phẩm trật 2: là phẩm trật phụ trách các vật thụ tạo, gồm có:
Quản thần (Dominationes), Dũng thần (Virtutes) và Quyền thần (Potestates). Các thiên thần cấp dưới. Các Dũng thần nhận lệnh truyền từ các Quản thần và "đi khắp" vũ trụ để loan báo sứ điệp. Virtutes có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực. Các Quyền thần trợ giúp các Dũng thần chiến đấu chống lại các thế lực xấu xa, đi ngược lại với trật tự quan phòng của Thiên Chúa. Các Quản thần hay "quyền cai trị" (có uy quyền) truyền lệnh cho những. Các Bệ thần, Quản thần, Lãnh thần, Quyền thần được nhắc đến trong Cô-lô-sê (1, 16); các Dũng thần trong thư Ê-phê-sô (1, 21)

III. Phẩm trật 3: là phẩm trật thi hành công vụ, gồm có:
Lãnh thần (Principatus), Tổng lãnh Thiên thần (Archangeli) và Thiên thần bản mệnh (Angeli). Các Lãnh thần trông coi các vương quốc trần gian. Các Tổng lãnh thiên thần là thủ lãnh các thiên thần, loan báo những sứ điệp quan trọng cho loài người.
Kinh Thánh thường nhắc đến ba tổng lãnh thiên thần Gapriel, Michael, Raphael. Các vị này được Thiên Chúa giao một nhiệm vụ cao cả.
Tổng lãnh thiên thần Micae

  • Gapriel truyền tin cho ông Dacaria (Lc 1, 11-20) và Đức Maria (Lc 1, 26-38), được gọi là "sức mạnh của Thiên Chúa". 
  • Michael thống lãnh các thiên thần chiến đấu chống lại thế lực của sự dữ (Đn 10, 13-21; 21, 11; Kh 12, 7-9), được gọi là "ai bằng Thiên Chúa"
  • Raphael xuất hiện trong sách Tobia, ngài hướng dẫn Tobia đi đòi nợ cho cha là ông Tobit và sắp xếp chu đáo cho cuộc hôn nhân giữa ông và nàng Sara; ngài chữ cho Tobit được sáng mắt (Tb 3, 17; 12, 15). Vì thế ngài được gọi là "linh dược của Thiên Chúa"

Các Thiên thần bản mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ, gìn giữ từng người.

Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm,nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn.Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối,sa ngã,cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng,thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối, nguy tử vv. Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn, an ủi và che chở con người. Cho nên, Phúc âm Mt 18,10 Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.