Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Kính ngày: 21 - 11

Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Do-thái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Sa-mu-en và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thuyết bảo rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

Hôm nay Hội thánh mầng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ nầy mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giê-rôm, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, chính đó là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Au-tinh: "Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người".

Như thế, chính Đức Ma-ri-a là Đền thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.

Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống.

Quyết tâm: Noi gương Đức Mẹ, tôi dâng mình hằng ngày cho Chúa, hiến trọn đời sống tôi để làm theo ý Chúa, chăm chỉ lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy suốt đời.

Lời nguyện: Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hợp mầng Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển. Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu, mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc.

Lịch Phân Công Giúp Lễ Chúa Kito Vua

Thứ 7 (22/11/2014) Lễ Thánh Cecilia - Bổn mạng Ca đoàn Cecilia 
17h30: Nhật - Khang - Phúc - Sang

Chúa nhật (23/11/2014) Lễ Chúa Kito Vua Vũ Tr
19h00: Vũ - H.Anh - Dương - T.Minh 
05h00: Chiến - Hưng - C.Tâm - M.Trí
17h30: Tú - Hoàng - Khoa - Đức(L)


P/s: Tất cả Lễ sinh có mặt lúc 17h00 đồng phục vàng rước kiệu Chúa Kito Vua, tham dự Thánh lễ và sau đó họp.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Ơn Đại xá và Tiểu xá trong Giáo hội Công giáo


Hỏi: Trong tuần lễ đầu của Tháng Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, Hội Thánh có ban ơn Đại xá và Tiểu xá cho những ai viếng nhà thờ và nghĩa địa. Xin cho biết ý nghĩa và cách thức được lãnh nhận các ân xá như thế nào?

* Theo Tông hiến “Học thuyết về các ân xá - indulgentiarum doctrina” [xc. Tông hiến ở cuối bài viết] của Đức giáo hoàng Phao-lô VI (nay là Chân phước 19/10/2014) công bố ngày 1/1/1967, có hai loại ân xá trong Giáo hội Công giáo: Đại xá (còn gọi là Toàn xá, indulgence plénière) và Tiểu xá (indulgence partielle). Việc phân loại này xét theo việc tha toàn bộ hay một phần hình phạt của tội. Quyền ban ân xá này Giáo hội nhận được từ nơi Đức Ki-tô, và ban ân xá với mục đích để tha các hình phạt đáng chịu vì đã phạm tội. 
Tông hiến của Đức Phao-lô VI xác định việc lãnh nhận các ân xá như sau: 
 
1. Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá cho mình, hoặc nhường cho các linh hồn trong luyện ngục.
 
2.Ơn Tiểu xá được ban khi người tín hữu thực hành một số việc lành phúc đức do Hội Thánh quy định, với điều kiện thật lòng ăn năn và từ bỏ các tội đã phạm.
 
3.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi, trừ trường hợp nguy tử. Để lãnh ơn Đại xá trong trường hợp nguy tử, người hấp hối cầm thánh giá Chúa Ki-tô và tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Người.
 
4.Những điều kiện thông thường để lãnh ơn Đại xá: thực hiện một công việc do Giáo hội chỉ định, xưng tội riêng, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng.
 
5.Có thể xưng tội riêng trước hoặc sau ngày so với lúc thực hiện công việc do Hội Thánh chỉ định. Tuy nhiên, để được ơn Đại xá cần phải rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng đúng vào ngày được chỉ định.
 
6.Có thể xưng tội riêng một lần để lãnh ơn Đại xá, tuy nhiên mỗi lần rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi.
 
7.Để hoàn tất điều kiện “cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng”, người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng (hoặc một kinh nào khác do lòng sùng kính riêng), đồng thời hướng ý cầu nguyện về Đức giáo hoàng.
 
8. Bản quyền giáo phận có thể cho phép tín hữu lãnh ơn Đại xá khi chưa xưng tội riêng hoặc chưa thể rước lễ vì những lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, người này phải dốc lòng ăn năn tội, cùng có ý hướng xưng tội và rước lễ sớm nhất có thể.
 
9.Người tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá khi đi viếng bất cứ nhà thờ nào, kể cả các nhà nguyện vào ngày 2/11, ơn Đại xá này được dành cho các linh hồn nơi luyện ngục. Ngoài ra, các tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá hai lần nữa trong một năm khi đi viếng nhà thờ giáo xứ của mình: Một lần vào ngày lễ Bổn mạng. Một lần vào ngày 2/8 (ngày ân xá của nhà thờ Portioncule) hoặc ngày do Bản quyền giáo phận chỉ định. Cũng có thể lãnh ơn Đại xá vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau hai ngày trên, với sự chấp thuận của Bản quyền giáo phận.
 
10.Khi Bản quyền giáo phận chỉ định đi viếng một nhà thờ hay một trung tâm hành hương để lãnh ơn Đại xá, thì người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính lúc viếng nhà thờ này như điều kiện để lãnh ơn Đại xá.
 
11.Khi người tín hữu dùng một đồ vật thánh đã được linh mục làm phép như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… sẽ nhận được ơn Tiểu xá. Còn nếu các đồ vật này được Đức giáo hoàng và Đức giám mục làm phép, thì sẽ nhận được thêm một ơn Đại xá vào ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô (29/6) với điều kiện phải đọc một kinh Tin Kính vào ngày lễ này.
 
12.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi.
 
13. Các ơn Đại xá chỉ được ban vào các ngày được Tòa Thánh xác định, theo lợi ích chung của Giáo hội hoàn vũ, hoặc do lời thỉnh cầu của Bề trên Thượng cấp Hội Dòng, hay của Đấng Bản quyền địa phương.
 
**Ngày 29/6/1968, Tòa Xá Giải Tông Tòa đã cho công bố tập “Enchiridion Indulgentiarum” để hướng dẫn cách chi tiết việc thực thi Tông huấn “Học thuyết về các ân xá - indulgentiarum doctrina” của Đức Phao-lô VI. Ngoài 13 điểm kể trên, tập tài liệu này còn nêu lên những điểm cơ bản cần lưu tâm:
 
1) Không ai được lãnh hộ ân xá cho người còn sống, nhưng có thể nhường ân xá cho những người đã qua đời.
 
2)Người tín hữu có lòng sám hối thật và thực hiện một việc lành có ân xá, thì được tha hình phạt tạm tùy theo công việc mình làm.
 
3) Không còn áp dụng Tiểu xá mấy ngày hay mấy năm nữa. Cũng loại bỏ các ân xá về cá nhân, nơi chỗ, sự vật theo cách thức thực hành cũ. Từ nay chỉ nói đến ân xá do việc lành đã làm.
 
4)Giám mục, Giám quản giáo phận có quyền ban ơn Tiểu xá trong giáo phận mình. Ngài cũng có quyền ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Đại xá ba lần trong một năm, vào các dịp lễ trọng do ngài ấn định.
 
5)Khi viếng nhà thờ để lãnh ân xá, thì thời gian viếng được tính từ trưa ngày hôm trước đến nửa đêm ngày hôm sau.
 
6) Khi các đồ vật thánh có ân xá như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… bị hư hỏng không sử dụng được nữa hay bị đem bán, thì không còn hiệu lực về ân xá.
 
7)Linh mục giải tội có thể thay đổi việc làm cho các hối nhân để họ lãnh được ân xá, khi những người này không có khả năng thi hành những điều kiện phải giữ để hưởng một ân xá do Giáo hội quy định.
 
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
Chánh Xứ giáo xứ Vườn Xoài, TGP. Sài Gòn

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Lễ Các Thánh NAM - NỮ Trên Trời


kính ngày 01 - 11

Hôm nay Hội thánh mng kính tất cả các thánh nam nữ đang được Chúa thưởng hưởng phúc trên trời.
Có 3 lý do khiến Hội thánh lập ra ngày lễ này:
- Vì các thánh quá nhiều không thể mầng mỗi vị một ngày riêng, như lời sách Khải Huyền của Thánh Gioan viết: "Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước, mọi dân (Kh. 5,9).
- Vì không phải hết mỗi vị thánh đều được phong thánh; có những người cũng sống lành chết thánh; nhưng chưa được Hội thánh tôn phong.
- Nhất là vì có vô số các thánh không được ai biết đến, số nầy tăng thêm hằng ngày trên trời.
Thế nên cần có một ngày lễ chung để chúng ta mầng kính hết các thánh nam nữ.
Chúng ta hãy nghe thánh Bênađô viện phụ trả lời tại sao chúng ta ca ngợi và tôn vinh các thánh hôm nay:
"Chúng ta long trọng cử hành ngày lễ hôm nay để làm gì?... Thú thật trong dịp lễ nầy, tôi thấy một niềm khát vọng bừng cháy lên trong tôi. Quả vậy, niềm khát vọng đầu tiên mà việc kính nhớ các thánh khơi dậy trong chúng ta là làm sao chúng ta được vui hưởng trong cộng đoàn hạnh phúc với các ngài, và đáng được nên những người đồng hương và bạn hữu với các linh hồn thánh thiện, được hợp đoàn cùng các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh tông đồ, được gia nhập vào đạo binh các thánh tử đạo, với đoàn thể các thánh chủ chăn, các thánh trinh nữ, nói tắt là được hợp đoàn cùng toàn thể các thánh. Cộng đoàn Hội thánh của các vị tiên phong ấy đang chờ chúng ta mà chúng ta vẫn còn hờ hững ! Các thánh khao khát chúng ta mà chúng ta vẫn coi thường, các người công chính trông đợi chúng ta mà chúng ta vẫn làm ngơ ?...
"Khát vọng thứ hai mà việc kính nhớ các thánh làm bừng cháy lên trong tâm hồn chúng ta là mong được thấy Đức Kitô , là sự sống của chúng ta tỏ tường như các ngài đang thấy, và mong cho chính chúng ta cũng được tỏ hiện với Người trong vinh quang. Trong lúc chờ đợi, Người vẫn tỏ hiện cho chúng ta, nhưng không phải trong vinh quang đời đời của Người, mà là như Người đã chịu nạn vì chúng ta. Người tỏ ra là đầu chúng ta, nhưng nay chưa được đội triều thiên vinh quang, mà chỉ đội mũ gai để đền bù tội lỗi chúng ta. Thật là tủi nhục khi có chi thể muốn sống dễ dãi dưới một cái đầu chịu đội mũ gai như vậy..."
"Vì thế chúng ta hãy đam mê ham muốn cái vinh quang ấy một cách tuyệt vời và vững vàng. Nhưng để có quyền mong đợi vinh quang đó, cũng như được khao khát một nhân đức như thế, chúng ta phải ân cần ước mong được sự cầu bàu của các thánh, để sự gì chúng ta không đủ khả năng đạt được thì Chúa ban cho chúng ta nhờ lời chuyển cầu của các ngài"
* Quyết tâm: Hằng ngày cầu xin Chúa cho sống đạo đức thánh thiện theo gương các thánh, và nhờ các thánh cầu thay nguyện giúp, cho ngày sau được về trời hưởng phước với các ngài.
* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con mng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay. Chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Thánh Phaolo Tống Viết Bường


* Gương Thánh nhân 
Năm 1831, lúc giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi dậy chống triều đình, các quan phải đem quân đi đánh dẹp. Vua Minh Mạng sai quan thị vệ Tống Viết Bường đi giám sát trận địa. Sau khi làm xong phận sự, ông trở về trình vua: quân lính triều đình đã dẹp được giặc. Vua hỏi: 
- Khi làm xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không? 
Ông trả lời: - Vì hoàng thượng không truyền lệnh, nên hạ thần không đến viếng. 
Vua bảo: - Theo thường lệ, mỗi khi dẹp được giặc, phải vào chùa lễ bái, sao khanh không đi? 
Ông mạnh dạn trình vua: - Vì hạ thần là người Công giáo, hạ thần chỉ thờ kính Thiên Chúa mà thôi. 
Chính vì lời tuyên xưng đức tin can đảm đó mà ông đã bị mất hết chức tước, và về sau bị bắt tống ngục, bị chém đầu để làm chứng cho Chúa, lãnh nhận triều thiên tử đạo vinh hiển. 
Phao-lô Tống Viết Bường sinh khoảng năm 1773, tại Phú Cam (Huế), trong một dòng tộc Công giáo đạo đức, và có nhiều người làm quan dưới thời vua Lê chúa Nguyễn. 
Lớn lên, cậu gia nhập quân đội và được chọn làm lính cận vệ nhà vua. Nhờ tài tháo vát và lòng nhiệt thành tận tụy, chẳng bao lâu cậu lính Bường được thăng lên cai đội, và được vua Minh Mạng tín cẩn trọng dụng. Vua thường giao cho ông nhiều công tác đặc biệt trong triều đình. 
Vì tín cẩn, nên năm 1831, khi quan quân triều đình đi đánh dẹp giặc Đa Vách ở Quảng Nam , vua đã cử ông đi thanh sát chiến trận. Và sau khi dẹp xong quân địch, ông không vào chùa Non Nước lễ bái mà còn xưng mình là người Công giáo, nên vua nổi cơn thịnh nộ, quát mắng dữ dội, định cho đem đi chém đầu. Nhưng nhờ một số quan chức trong triều đình có cảm tình với ông đứng ra can gián nài nỉ, nhà vua mới bớt cơn giận. Dù vậy, vua cũng truyền đánh ông 80 roi, cất hết chức tước, cho xuống làm lính thường. Thật là một hình phạt nặng nề tủi hổ, nhưng ông vẫn vui lòng chấp nhận vì trung thành với Chúa. 
Tưởng mọi việc đã yên xuôi, không ngờ hơn một năm sau, vua cho làm bảng danh sách người có đạo trong hàng ngũ lính thị vệ. Tất cả có 12 người, trong số đó có Phao-lô Tống Viết Bường, khi các quan trình bảng danh sách lên vua, năm người vì sợ chết nên bỏ đạo, còn bảy người bị tống giam vào ngục, cổ mang gông, tay chân bị xiềng xích khổ sở. 
Cứ mỗi 10 ngày, ông Bường bị đem ra tra tấn hành hạ, buộc đạp lên Thánh giá bỏ đạo. Thảm cảnh nầy kéo dài mãi suốt mấy tháng trời, nhưng ông vẫn can đảm cương quyết không chối Chúa bỏ đạo. Ông tuyên bố: 
- Tôi đã thờ Chúa từ nhỏ, làm sao tôi bỏ Chúa được. 
Mỗi lần nói như thế là ông phải lãnh 20 roi rất đau đớn, nhưng ông vẫn vui lòng chịu vì Chúa. Ông còn muốn chịu nhiều hình khổ hơn nữa, để thông phần vào sự thương khó Chúa. Thấy cực hình không lay chuyển nổi lòng tin mạnh mẽ của vị anh hùng của Chúa, các quan xoay qua dụ dỗ nài nỉ. Quan Thượng Thư Võ Xuân Cầu khuyên ông: 
- Bây giờ cứ hứa bỏ đạo đi, rồi sau nầy muốn làm gì thì làm. 
Nhưng ông trả lời: - Cám ơn quan đã có lòng thương tôi, nhưng tôi phải luôn luôn trung thành với Chúa tôi. 
Thế là các quan chịu thua lòng can đảm bền chí của ông, cho quân lính đem giam lại trong ngục, chờ lệnh của vua. 
Trong ngục, ông luôn khuyên bảo các bạn bền lòng tin cậy Chúa, nhất là xin Đức Mẹ cho đặng chịu khó vì Chúa đến cùng, bằng cách cùng nhau lần chuỗi Môi Khôi mỗi ngày. 
Ngày 23 tháng 10 năm 1833, vua Minh Mạng ra lệnh trảm quyết ông. Quân lính dẫn ông ra pháp trường Thọ Đức. Đến nơi, ông quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đưa cổ cho lý hình. Sau một nhát gươm, đầu vị anh hùng đức tin đã rơi xuống đất, linh hồn bay thẳng về trời hưởng phước vinh quang… 
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 đã suy tôn ông lên bậc Chân Phước. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tôn phong ngài lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988. 

* Quyết tâm 
Noi gương thánh Phaolô Tống Viết Bường, luôn trung thành bền đỗ tin thờ Chúa, và hằng ngày siêng năng lần chuỗi Môi Khôi để nhờ Mẹ giúp chịu khổ vì Chúa đến cùng. 

* Lời nguyện 
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolo VI


Tiểu sử của Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục 

– Văn Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tục danh là Giovanni Battista Montini. Ngài chào đời tại Concesio (Brescia, nước Ý) vào ngày 26 tháng 9 năm 1897. Ngài đã theo học dòng Tên và là thành viên của Tu Hội Thánh Philip Neri tại Brescia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 5 năm 1920. 

Ngài hoàn tất chương trình triết học và luật dân sự tại Rôma, và giáo luật tại Milan. Ngài được bổ nhiệm làm tùy viên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào năm 1923, và năm sau, 1924, ngài trở lại Rôma để phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài là tuyên úy cho Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học Công Giáo Ý tại Rôma (FUCL - "Federazione Universitaria Cattolica Italiana"), và từ năm 1923 đến 1925, ngài là tuyên úy của Liên Đoàn cấp quốc gia. Trong hai thập niên 1920 và 1930, ngài đã có nhiều hoạt động về tôn giáo và văn hóa tại Ý và cả bên ngoài nữa. 

Thời gian làm việc tại Tòa Thánh của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Piô XII đánh giá cao. Giữa những năm 1930 và 1937, ngài giảng dạy môn lịch sử ngoại giao Tòa Thánh tại Đại học Latêranô, cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1937, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Dù phục vụ chủ yếu trong ngành ngoại giao, ngài đã thực hiện mọi nỗ lực để có thể tham gia trực tiếp vào các công tác mục vụ và chăm sóc cho các linh hồn; ngài cũng đã có nhiều hoạt động bác ái trong các vùng ngoại ô Rôma và đã tham gia vào tổ chức Saint Vincent De Paul. 

Trong Thế chiến thứ II, ngài tích cực giúp đỡ người tị nạn và người Do Thái và lãnh đạo phòng Báo Chí Tòa Thánh. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, ngài đã giúp hình thành Hiệp hội Công Giáo của người lao động Ý (ACLI - "Associzioni Cattoliche Lavoratori Italiani"). Ngài quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của phong trào đảng Dân chủ Kitô Giáo và cổ vũ việc hình thành các tổ chức quốc tế của giáo dân. 

Ngày 29 tháng 11 năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách hành chánh sự vụ. Ngày 01 Tháng Mười Một năm 1954, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan và được tấn phong vào ngày 12 Tháng 12 cùng năm. 

Trong giáo phận rộng lớn và phức tạp này, ngài đã sử dụng những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng hầu đối phó với sự gia tăng nhập cư và giúp người dân vượt qua chủ nghĩa duy vật và ý thức hệ Mác-xít, đặc biệt là ở những nơi làm việc. Ngài đã viết chín thư mục vụ cho Giáo Hội nghi lễ Ambrosiô, đã phê duyệt việc xây dựng trên 123 nhà thờ mới, và lãnh đạo một chương trình truyền giáo đô thị lớn nhất chưa từng có trong thế giới Công Giáo. Ngài đã thực hiện các chuyến đi đến Hoa Kỳ, Brazil và nhiều miền truyền giáo ở Châu Phi do tổng giáo phận Milan đảm trách. 

Ngày 15 tháng 12 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã từng là một người bạn thân thiết với ngài từ năm 1925, đã tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho Công Đồng Chung Vatican II và sau đó tham gia vào đại Công Đồng này. 

Vào ngày 21 Tháng Sáu 1963, ngài được bầu làm giáo hoàng với Tông Hiệu là Phaolô Đệ Lục. Trong bối cảnh nhiều thách đố trong xã hội, ngài đã đưa Công Đồng gồm 3 thời kỳ đến kết thúc thành công, khuyến khích các Giáo Hội địa phương mở cửa cho thế giới hiện đại đồng thời bảo tồn truyền thống của mình, trong khi luôn luôn tìm kiếm sự hiệp thông giữa các nghị phụ của Công Đồng. 

Ngài đã thực hiện những chuyến tông du đến khắp các lục địa, bắt đầu từ vùng Thánh Địa, nơi đã xảy ra cuộc gặp lịch sử giữa ngài với Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras. Những chuyến tông du đã đưa ngài đến Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc (1965), Fatima và Thổ Nhĩ Kỳ (1967), Columbia (1968), Geneva và Uganda (1969), và xa hơn về phía đông là Úc và Châu Đại Dương (1970). Ngài cũng thực hiện nhiều chuyến viếng thăm khắp nơi trên lãnh thổ Ý. 

Thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam Suam (1964), đề cao phương pháp "đối thoại cứu độ" trong Giáo Hội và giữa Giáo Hội với toàn thế giới. Thông điệp khác của ngài là Mysterium Fidei – “Mầu Nhiệm Đức Tin” bàn về bí tích Thánh Thể (1965); Mense Maio – “Tháng Năm" (1965) và Christi Matri - "Mẹ Chúa Kitô" (1966) khẩn cầu Đức Mẹ ban hòa bình cho thế giới; Populorum Progressio - "Sự phát triển của các dân tộc" (1967); Sacerdotalis Caelibatus - "Về đời sống độc thân linh mục" (1967); Humanae vitae "di truyền cuộc sống con người" (1968). 

Ngài đã áp dụng các văn bản của Công Đồng và thực hiện các cải tổ do Công Đồng đề xướng. Ngài đưa ra những giáo huấn về hòa bình và thiết lập ngày hòa bình thế giới. 

Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì các cuộc khủng hoảng liên tục ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thời gian đó, nhưng ngài đã tìm thấy niềm an ủi lớn lao trong việc thông truyền đức tin, và bảo đảm nền móng tín lý của Giáo Hội trong một khoảng thời gian đầy những biến động về ý thức hệ (“Năm đức tin”: 1967-1968 và "Kinh Tin Kính của Dân Chúa": 1968). Ngài đã cho thấy một khả năng đáng kể trong việc hòa giải ở mọi lĩnh vực. Ngài thận trọng trong các quyết định của mình, kiên trì những nguyên tắc đã được khẳng định, và hiểu biết sự yếu đuối của con người. 

Bằng cách viếng thăm thường xuyên những nơi làm việc và với tông thư Octogesima Adveniens (1971), ngài đã chứng minh cho thế giới thấy mối quan tâm thận trọng và chu đáo của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội. Ngài thử nghiệm những cách thức mới để truyền bá đức tin (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 1975), và chia sẻ cách trìu mến những đau khổ của người nghèo. Ngài bảo vệ các giá trị của gia đình và của chính cuộc sống, chống lại ly dị và phá thai. Ngài phải đối diện với những căng thẳng chính trị và xã hội ở một số nước lên đến mức tạo ra những hình thức bạo lực và chủ nghĩa khủng bố; sự phản đối chân thành của Đức Phaolô Đệ Lục đối với bạo lực này được cảm nhận trên thế giới. 

Ngài có một cá tính thâm trầm, khiêm tốn và dịu dàng, tin tưởng và chân thành, và có một sự nhạy cảm nhân bản đặc biệt. Ngài là một người có tâm linh sâu sắc - được hình thành trên Kinh Thánh, và trên giáo huấn của các nghị phụ, cũng như các nhà thần học lừng danh trong Giáo Hội. Ngài đã cho thấy đức tin mạnh mẽ, niềm hy vọng vững vàng, và một cuộc sống hàng ngày đầy tình bác ái, thận trọng và đơn giản. Lời cầu nguyện của ngài, đâm rễ sâu trong lời Chúa, phụng vụ và chầu Mình Thánh, tập trung vào Chúa Kitô và được củng cố bởi một lòng sùng kính gương mẫu dành cho Đức Mẹ (Tông huấn Marialis Cultis, 1974). 

Từ khi bắt đầu sứ vụ thánh Phêrô của mình, ngài đặc biệt quan tâm đến thệ hệ trẻ, chia sẻ với họ, và với tất cả các tín hữu niềm vui đức tin (Tông huấn Gaudete in Domino, 1975) và "nền văn minh tình yêu" (Năm Thánh, 1975). 

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã qua đời tại Castel Gandolfo sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh vào ngày 6 tháng 8 năm 1978 đang khi đọc kinh Lạy Cha. 

Hai kiệt tác của ngài về tâm linh và tình yêu dành cho Giáo Hội vẫn còn là những tác phẩm thời danh, đó là cuốn Pensiero alla Morte ("Một suy niệm về cái Chết") và Testamento ("Chứng tá"). 

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố rằng Đức Phaolô Đệ Lục đã "sống một cuộc sống với nhân đức anh hùng" vào ngày 20 Tháng Mười Hai 2012.

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Thông báo! Khánh Nhật Truyền Giáo

Chúa nhật (19/10/2014) - Khánh nhật Truyền Giáo.

Giáo xứ chầu cả ngày. Thánh lễ chiều lúc 17h30, cung nghinh Thánh Thể chung quanh Thánh đường và Thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Các em giúp lễ có mặt lúc 17h00, đồng phục vàng để rước kiệu, tham dự Thánh lễ và họp sau lễ.
Các anh lớn, tổ trưởng, tổ phó thông báo cho các em tham dự đông đủ.

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Thánh Têrêsa Avila - Trinh Nữ Tiến Sĩ

Mừng kính ngày: 15 - 10

* Gương Thánh nhân: Thánh nữ Têrêsa sinh năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc đạo đức. Lúc nhỏ, thánh nữ rất thích đọc sách tu đức và hạnh thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, và được nên Thánh Cả trong Hội thánh, ngài bảo em: "Chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên thiên đàng hưởng phước với các Thánh."

Thánh nữ chỉ mong được lên thiên đàng, và rất sợ hình khổ hỏa ngục. Thế là hai chị em kéo nhau đi. Nhưng đi được một quãng thì người cậu bắt gặp dẫn về.

Têrêsa có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Mỗi ngày ngài lần chuỗi Môi Khôi để tỏ lòng tôn kính Mẹ. Và năm lên 12 tuổi, mẹ ngài mất, ngài đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nhận ngài làm con, và hứa suốt đời sống xứng đáng làm con Đức Mẹ.

Nhưng khi lớn lên, thánh nữ nhiễm mùi thế tục, vì ảnh hưởng không tốt của sách vở ngài đọc. Ngài bắt đầu trau tria làm tốt, ăn mặc đẹp đẽ, thích được người ta khen ngợi ve vản, ngày ngày mơ mộng vẩn vơ...

Cha ngài thấy vậy thì lo sợ, nên gởi ngài vào học nội trú trường các nữ tu dòng Thánh Autinh. Mặc dầu không muốn, nhưng Têrêsa đã vâng lời vào trường, và ngài đã nhờ nếp sống đạo đức và gương sáng thánh thiện của các nữ tu mà tìm lại được lòng nhiệt thành sốt sắng như trước.

Nhưng chẳng may Têrêsa ngã bệnh nặng, phải trở về nhà chữa trị. Dường như Chúa muốn luyện lọc ngài qua nhiều thử thách để trui rèn tâm hồn ngài: 12 tuổi mất mẹ, 15 tuổi nhiễm mùi thế tục, nay lại phải bệnh hoạn nặng nề !...

Trong thời gian chữa bệnh, thánh nữ nhận ra đời sống con người thật mỏng manh, nay khỏe mạnh mai ốm đau, và sự chết có thể đến dễ dàng bất cứ lúc nào. Và nếu chết mà còn mắc tội trọng, còn xa Chúa thì thật khốn khổ biết bao. Và ngài nghĩ đến hình khổ hỏa ngục rất đáng khiếp sợ... Lúc đó, ngài quyết tâm theo Chúa, mến Chúa, hiến trọn tình yêu cho Chúa, suốt đời chỉ yêu mến một mình Chúa thôi.

Thế là sau khi mạnh lại, thánh nữ đã xin nhập dòng Kín Camêlô tại Avila, năm ngài 19 tuổi. Lúc đó nhà dòng còn sống thoải mái tự do, chưa nhiệm nhặt như ngày nay. Ngài đã sống trong cảnh như thế trong 15 năm.

Đến năm 1555, thánh nữ cảm thấy một cuộc chuyển biến sâu xa trong tâm hồn, khi ngài suy niệm về sự Thương Khó Chúa Giêsu. Ngài thấy Chúa khổ nhục nặng nề, còn mình sống tự do nhẹ nhàng. Ngài lấy làm sỉ nhục đau đớn và xót thương Chúa vô cùng. Trong thời gian nầy, thánh nữ được hưởng nhiều thị kiến lạ lùng. Những thị kiến của ngài đều được các nhà thần học công nhận là xác thực. Ngài nói: "Mỗi khi suy tưởng đến Đức Kitô, chúng ta hãy luôn nhớ đến tình yêu đã giục Người ban cho chúng con biết bao ân huệ. Hãy nhớ Thiên Chúa đã bày tỏ Người yêu thương chúng ta biết bao, khi cho chúng ta bằng chứng cả thể như vậy về tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta: và vì tình yêu đòi hỏi tình yêu, nên chúng ta hãy làm thế nào để luôn nhớ điều ấy, hầu nhờ đó mà thúc giục mình yêu mến. Thật vậy, nếu Thiên Chúa chỉ ban ơn nầy cho chúng ta một lần mà thôi, đó là ghi khắc sâu đậm tình yêu vào lòng chúng ta, thì mọi sự sẽ rất dễ dàng, và chỉ trong chốc lát chúng ta sẽ tiến lên rất nhiều và không phải khó nhọc gì".

Thánh nữ đã yêu mến, đã sống thân mật với Chúa Giêsu như người bạn, nên được Người mạc khải cho biết nhiều điều bí nhiệm, nhất là chỉ bảo ngài chỉnh đốn lại Dòng Kín Camêlô theo đúng ý Người muốn, với luật dòng nghiêm nhặt hơn, tất cả các nữ tu sống cách biệt với trần thế, tận hiến cuộc đời cho kinh nguyện hầu cứu vớt các linh hồn.

Thánh nữ qua đời ngày 15 tháng 10 năm 1582, được phong thánh năm 1628, và năm 1970 thì được Đức Thánh Cha Phaolô VI đặt làm Tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Têrêsa, tôi hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh chịu khó hằng ngày, vì Chúa đã thương yêu tôi vô cùng.


* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng Thánh nữ Têrêsa Avila, để người vạch ra cho Hội thánh một con đường dẫn đến đỉnh cao toàn thiện. Xin cho chúng con hấp thụ giáo huấn của Người, và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Đội hình FC Lễ Sinh Vĩnh Hoà

Chúa nhật, 12/10/2014

Đội 1 Đội 2 Đội 3
Minh Chiến
Phát Đạt
Hoàng Vũ
Minh Quyền
Minh Cẩn
Tuấn Anh
Công Dương
Hùng Phát
Hữu Trí
Công Tâm
Tấn Sang
Hoàng Minh
Quốc Cường
Quốc Hưng
Phúc Hậu
Quang Huy
Hoàng Anh
Tiến Cường
Hùng Đạt
Thiên Ân
Minh Đức (L)
Anh Khoa
Duy Hiếu
Minh Trí
Thanh Tú
Minh Hoàng
Kim Điền
Minh Nhật
Thái Minh
Hoàng Tâm
Đức Tài
Quang Minh
Minh Khang
Hồng Phúc
Minh Đức (N)

  • Các đội sẽ tự chọn Đội trưởng.
  • Sau Thánh lễ Sáng Chúa nhật, các em về nhà thay đồ và ăn sáng. Sau đó tập trung tại nhà Anh Phát để xuất phát đến sân. (Tự chuẩn bị xe)
  • Nhớ mang theo giày bata, nón vì trời rất nắng.
  • Em nào không chấp hành sẽ không được tham gia.
Chúc các em sẽ có một ngày ngoại khoá vui vẻ và thật nhiều niềm vui. 

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

THÁNH ĐIÔNIXI và các bạn Tử Đạo

Mừng kính ngày: 09 - 10

Gương Thánh nhân: Theo truyền thuyết, thánh Điônixi Giám mục tiên khởi Pari, nước Pháp, chính là Atênien được thánh Phaolô đem trở lại đạo. Và sau khi trở lại, ngài đã từ bỏ danh vọng, của cải, bạn hữu để đi giảng đạo. Nhờ thánh Phaolô đào tạo, và với trí thông minh, ngài đã làm rạng rỡ danh Chúa khắp nước này.

Dựa theo tường thuật của thánh Ghêgôriô thành Tua, năm 200, Đức Giáo Hoàng Phabianô đã sai bảy Giám mục đến truyền giáo tại sứ Gôn. (Tên gọi nước Pháp ngày xưa), trong số đó có Thánh Điônixi. Ngài đến tận kinh đô Pari lúc đó gọi là Lutéc, và đi khắp nơi giảng đạo Chúa. Đi đến đâu, người ta cũng ùn ùn kéo đến nghe ngài giảng, và rất nhiều người trở lại đạo. Ngài cho cất nhiều nhà thờ để tập họ đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và ban các Bí tích cho họ. Với các giáo dân ngày càng đông, thánh nhân thành lập giáo đoàn tại Pari và làm Giám mục tiên khởi giáo phận này. Ngài có được hai cộng sự viên là Linh mục Rútticô và thầy sáu Êlêntê.

Thánh nhân hết sức vui mầng vì thành quả đã đạt được. Và ngài càng nỗ lực truyền giảng đạo Chúa hơn nữa, mong đem hết mọi linh hồn về cho Chúa. Nhưng ma quỷ không bao giờ để cho người của Chúa được thành công dễ dàng. Chúng xúi giục các tư tế dân ngoại tố cáo lên hoàng đế. Ông ta ra lệnh bắt giết người theo đạo Công giáo. Thánh nhân cùng với hai cộng sự viên là Rútticô và Êlêntê bị bắt tống ngục. Nhưng tù ngục, đòn vọt không lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của Ngài, mặc dầu lúc đó ngài đã trên 100 tuổi. Bị lửa thiêu đốt, ngài vẫn ca tụng Chúa; bị treo lên khổ giá, ngài cao rao mầu nhiệm phục sinh của Chúa và ơn cứu chuộc của Người, khiến cho nhiều người càng tin theo Chúa. Thấy không lợi mà còn tạo thêm dịp cho thánh nhân giảng đạo, nhà vua đã ra lệnh chém đầu ngài cùng với các cộng sự viên của ngài.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Điônixi, tôi can đảm làm chứng cho Chúa, bằng lời nói, việc làm và gương tốt đời sống, nhất là bằng sự hy sinh chịu khó hằng ngày.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Điônixi và các bạn đi rao giảng Tin mừng cho lương dân, và ban cho các ngài được can đảm chịu cực hình vì Chúa. Xin nhận lời các ngài nguyện giúp cầu thay, mà ban cho chúng con lúc thịnh đạt biết giữ tâm hồn thanh thoát, và khi gặp nghịch cảnh, không nản chí sờn lòng.


THÁNH GIOAN LÊÔNAĐI - Linh Mục


* Gương Thánh nhân: Thánh Gioan Lêônađi sinh năm 1541 tại Tốtca, nước Ý, cha mẹ ngài làm nghề thầy thuốc, nên khi lớn lên, ngài cũng nối nghiệp làm nghề nầy cho tới năm 25 tuổi, thì được Chúa gọi dâng mình cho Chúa. Ngài bắt đầu học triết học, thần học và tập rèn nhân đức. Năm 1571, ngài được thụ phong Linh mục.

Từ đó, thánh nhân chuyên lo giảng dạy giáo lý và hướng dẫn giới trẻ. Để có người cộng tác, ngài thiết lập một tu hội giáo dân, quy tụ những tín hữu thiện chí và có khả năng, giúp ngài truyền bá giáo lý tinh tuyền của Hội thánh, vì lúc đó lạc thuyết đang lan tràn, làm cho nhiều người Công giáo phải hoang mang về đức tin. Ngài dựa theo tinh thần canh tân của Công đồng Triđentinô mà hướng dẫn giới trẻ và củng cố niềm tin cho người lớn.

Nhưng vì thấy sự hiểu biết giáo lý của giáo dân rất hạn chế, nên năm 1574, thánh nhân lập thêm Hội Dòng Giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa để truyền đạt giáo lý cho mọi người. Đây là những giáo sĩ tình nguyện khảo cứu sâu rộng giáo lý, và dùng lời giảng dạy cũng như sách vở để phổ biến cho giáo dân. Hội dòng đã được Đức Giáo Hoàng Clêmêntê VIII phê nhận, và giao cho việc canh tân Hội thánh.

Đây là việc làm rất hữu ích và cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện, nhất là phải có tâm hồn siêu thoát. Trong bức thư gởi Đức Giáo Hoàng Phaolô V, bàn về công cuộc canh tân nầy, thánh nhân đã viết: "Những ai muốn chấn hưng phong phú, cần nhất phải lo tìm vinh danh Chúa trên hết mọi sự. Người là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, nên họ phải cầu xin và trông đợi Người trợ giúp trong công việc hữu ích nhưng vô cùng khó khăn thể ấy. Sau đó, họ đặt mình trước mặt những người mà họ muốn cải cách như là tấm gương và mọi nhân đức, và như những ngọn đèn đặt trên giá, để bằng đời sống thanh liêm và phong thái rạng ngời, họ chiếu sáng cho mọi người cư ngụ trong nhà Thiên Chúa."

Hăng say trong việc canh tân, thánh nhân đụng chạm đến nhiều người, nên bị họ chống đối dữ dội, đến nỗi ngài phải chạy về Rôma. Tại đây, ngài vẫn tiếp tục công cuộc cải cách và sáng lập trường đào tạo các nhà truyền giáo; đây là khởi điểm Trường Truyền giáo của Hội thánh, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Thánh nhân qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1609 và năm 1933 được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm: Nhiệt thành cộng tác với những người thiện chí, sửa đổi những gì chưa tốt chưa đẹp trong gia đình, xã hội cũng như Hội thánh, theo gương thánh Gioan Lêônađi.

* Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, Chúa đã khơi dậy trong lòng thánh Gioan Lêônađi niềm khát vọng rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho công cuộc truyền bá đức tin hằng phát triển trên toàn thế giới.

Tổng Giám Mục và Giám Mục

Phẩm phục Giám Mục
Hỏi: Thưa cha! Giám mục là gì? Tại sao có Tổng giám mục? Con được biết Việt Nam có ba Tổng Giám mục Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Vậy ba Tổng Giám mục này chức vụ ngang nhau hay có ai có chức vụ lớn hơn? Tổng Giám mục và Giám mục, chức vụ ai lớn hơn. 
Ở Việt nam có hai hồng y, một ở Hà Nội, một ở Sài gòn, HY ở Hà Nội đã qua đời chỉ còn HY Sài Gòn. Cho con giả thiết nếu HY GB Phạm Minh Mẫn chưa nghỉ hưu vẫn còn là Tổng Giám mục Sài Gòn thì Tổng Giám mục Sài Gòn có lớn  chức  hơn những vị kia không?

Đáp: 
Anh thân mến

1. Đức Giám mục Giáo phận là người đứng đầu một Giáo phận. Tuy nhiên, không phải Giám mục nào cũng là Giám mục Giáo phận vì có những Giám mục phụ tá, Giám mục về hưu không lãnh đạo một Giáo phận.

Nhiều Giáo phận tập lại hợp thành một Giáo tỉnh và do một vị Tổng Giám mục đứng đầu. Việc tập hợp thành Giáo tỉnh là để cổ võ sự hợp tác giữa các Giám mục và các Giáo phận lân cận.Đức Tổng Giám mục cũng là Giám mục của Giáo phận mình.Tuy nhiên cũng có những Tổng Giám mục không phụ trách một tổng Giáo phận nào mà giữ những trách vụ hoặc chức vụ trong Giáo triều Rôma.Về quyền hạn thì hầu như Tổng Giám mục không có quyền gì trên các Giám mục Giáo phận trong giáo tỉnh.Vai trò của ngài chỉ mang tính giám sát và thực hiện một số việc được quy định trong Giáo Luật như : thông báo cho Đức Thánh Cha những lạm dụng về kỷ luật hay lệch lạc về đức tin, thi hành việc kinh lược với sự phê chuẩn Tông Toà nếu một Giám mục lơ đễnh nhiệm vụ này,bổ nhiệm vị giám quản Giáo phận nếu trong Giáo phận không tiến hành theo đúng những quy định (GL 436, 1), thông báo việc vắng mặt bất hợp pháp quá sáu tháng của một Giám mục Giáo phận.

Ngài có một số đặc quyền như cử hành các nghi lễ thánh trong các nhà thờ như trong Giáo phận của mình (xGL 436,3), ngài có thể mang dây pallium trong các nhà thờ thuộc giáo tỉnh, ngài có quyền triệu tập và chủ toạ công đồng giáo tỉnh (xGL 442).

Còn chức Tổng Giám mục là những vị có quyền trong tổng Giáo phận và Giáo tỉnh của mình chứ không có hơn kém nhau giữa các Tổng Giám mục Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

Phẩm phục Hồng Y
2. Các Hồng y là những vị được ban cho tước hiệu này với vai trò bầu cử Đức Thánh Cha, trợ giúp Đức thánh cha trong việc điều hành công việc của Giáo Hội và bàn luận những vấn đề quan trọng, nên Đức Hồng Y về mặt danh dự thì cao hơn các Tổng Giám mục khác nhưng về quyền hạn thì không hơn những vị ấy.

3. Việc chỉ định các Giám mục là hoàn toàn do Đức Thánh Cha tự do bổ nhiệm theo Giáo luật Điều 377 như sau :

1. Đức Giáo Hoàng được tự do bổ nhiệm các Giám mục, hoặc phê chuẩn những vị đã đắc cử cách hợp pháp.

Ba năm một lần các Giám mục của một giáo tỉnh hay Hội đồng Giám mục hoặc cá nhân vị Giám mục có thể bí mật gửi cho Tông Toà một danh sách các linh mục có đủ tư cách tiến chức.

Điều 377

2. Ít là ba năm một lần, các Giám mục thuộc một giáo tỉnh hoặc ở đâu mà hoàn cảnh  khuyến khích, các hội đồng Giám mục phải thoả thuận với nhau và bí mật lập một danh  sách các linh mục có đủ tư cách tiến chức Giám mục, gồm cà những thành viên thuộc các Tu hội thánh hiến, miễn là vẫn tôn trọng quyền của mỗi Giám mục trong việc thông báo riêng cho Tông Toà  biết danh tính những linh mục được ngài xét là xứng đáng và có khả năng xứng hợp với nhiệm vụ Giám mục.

Đặc sứ của Đức Thánh Cha là ngưởi sẽ điều tra và lập danh sách ba vị được đề ghị làm Giám mục Giáo phận hay Giám mục phó rồi trình lên Tông Toà ý kiến của mình cũng như những người liên hệ (Điều 377,3)

Các Giám mục Giáo phận muốn đặt Giám mục phụ tá cho Giáo phận mình thì trình lên Toà Thánh danh sách của ít là 3 linh mục có tư cách lãnh nhận giáo vụ này ( Điều 377, 4).

Giám mục phụ tá không đương nhiên có quyền kế vị nhưng Giám mục phó có quyền kế vị nếu toà Giám mục khuyết vị theo Giáo luật Điều 403,3 mà không cần phải nói rõ “với quyền kế vị”:

Dây Pallium dành cho Tổng Giám mục

Điều 403

1. Khi nhu cầu mục vụ của Giáo phận đòi hỏi, phải đặt một hay nhiều Giám mục phụ tá theo sự yêu cầu của Giám mục Giáo phận; Giám mục phụ tá không có quyền kế vị.

2. Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, ngay cả khi có tính cách cá nhân, có thể ban cho Giám mục Giáo phận một phụ tá với những năng quyền đặc biệt.

3. Nếu xét thấy thuận lợi, Toà Thánh có thể chiếu theo chức vụ đặt một Giám mục phó với những năng quyền đặc biệt, Giám mục phó có quyền kế vị.

Điều này không có nghĩa là đức Giám mục phụ tá bị cấm không được kế vị.Ngài chỉ không đươg nhiên kế vị trong trường hợp Toà Giám mục khuyết vị.Vì Đức thánh cha có quyền bổ nhiệm một Giám mục phụ tá lên làm Giám mục Giáo phận như trường hợp Tổng Giáo phận Huế/.

 Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT 

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Thánh Phanxico Assisi

Mừng kính ngày: 04 - 10

Gương Thánh nhân: Thánh Phanxicô sinh năm 1182, tại Assisi nước Ý, trong một gia đình giàu có. Cha ngài làm nghề buôn bán thường đi đó đây, nên lúc nhỏ ngài sống với người mẹ hiền lành đạo đức.

Lớn lên, vì cha mẹ giàu có nuông chìu, lại thêm ảnh hưởng xa hoa của xã hội, Phanxicô chạy theo lối sống hào hoa phong nhã, ăn chơi phung phí, ham mê danh vọng giàu sang chức tước. Cậu theo bá tước Gôthi đi chinh phục các vùng gần Assisi, cốt để được vinh thăng hiển hách. Nhưng cậu đã thất trận và bị bắt cầm tù. Những ngày tù ngục khổ cực nhục nhã khiến cậu hồi tâm suy nghĩ. Và cậu đã tìm được lý tưởng cao đẹp.

Sau khi ra khỏi tù, Phanxicô trở về xứ sở, bắt đầu cuộc sống mới. Hằng ngày ngài tận tụy giúp đỡ những người bệnh tật, kẻ nghèo khổ, và siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện, dự Thánh lễ. Một hôm đang khi cầu nguyện trong nguyện đường thánh Đamianô, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu từ trên Thánh giá phán bảo:

- Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của Ta đang hư nát!

Ngài không hiểu ý Chúa muốn ngài chỉnh đốn lại Hội thánh đang sa sút, nên lo đi quyên góp tiền của sửa chữa lại các đền thờ ở Assisi. Nhưng trong một buổi tham dự Thánh lễ, ngài nghe đọc đoạn Tin mừng: "Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng... Hãy rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang theo bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy..." (Mt. 10, 7-10).

Thế là thánh nhân đã hiểu ý Chúa... Ngài phân phát hết của cải cho người nghèo khó, sống đời khổ hạnh, ngày ngày đi rao giảng Nước Chúa, chăm sóc kẻ bệnh tật, sống bằng của ăn xin.

Cha ngài thấy con sống nghèo khó hèn mạt như thế thì tức giận, bắt nhốt ngài, rồi dẫn đến Đức Giám mục từ ngài luôn. Nhưng thánh nhân sẵn lòng chấp nhận hy sinh tất cả vì Chúa, ngài trả lại cho cha cả áo quần đang mặc và nói: "Từ nay tôi mới thật sự giống Chúa Kitô."

Thánh nhân muốn nên giống Chúa Giêsu hoàn toàn trong đời sống khó nghèo, hy sinh, gian khổ. Và ngài muốn phụ giúp Chúa cứu rỗi các linh hồn. Ngài hăng say lên đường rao giảng Lời Chúa khắp nước Ý. Đi tới đâu, ngài gieo rắc tình thương của Chúa đến đó. Ngài đem nhiều người trở lại với Chúa, và quy tụ được nhiều kẻ theo ngài. Ngài huấn luyện họ và thành lập Hội Dòng Anh Em Hèn Mọn, cũng gọi là Dòng Thánh Phanxicô, sống khiêm tốn khó nghèo và chuyên lo giảng đạo cho người nghèo khổ.

Năm 1212, thánh nhân còn giúp thánh nữ Clara thiết lập nhóm chị em sống nghèo khó và cầu nguyện, gọi là nữ tu thánh Clara. Sau những năm tháng tận tụy truyền giáo và đào tạo người nối nghiệp, thánh nhân rút lui vào sống trong núi, ngày ngày chuyên chăm hãm mình cầu nguyện. Chính lúc ở đây, ngài được Chúa in năm dấu Thánh trên chân tay và cạnh sườn ngài. Trong hai năm trời, các vết thương nơi năm dấu Thánh luôn rỉ máu và làm cho ngài đau đớn dữ dội, nhưng thánh nhân luôn sẵn sàng chấp nhận để hiệp cùng sự thương khó Chúa mà cứu rỗi các linh hồn.

Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226. Và ngày 16 tháng 7 năm 1228, Đức Thánh Cha Ghêgôriô IX đã tấn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phanxicô Assisi, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi sự, sống khó nghèo và hy sinh chịu khó hằng ngày, để cứu rỗi linh hồn tôi và anh chị em tôi.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phanxicô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo, để trở nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại, mà thiết tha gắn bó cùng Chúa, và hăm hở bước theo Đức Kitô, lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến.

Thông báo Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Chúa nhật, ngày 05 tháng 10 năm 2014. Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi thánh lễ chiều lúc 17h30 rước kiệu Đức Mẹ chung quanh Thánh đường.
Các em lễ sinh có mặt lúc 17h00 để rước kiệu và tham dự Thánh lễ, Đồng phục Vàng

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Linh mục 'triều' và linh mục 'dòng' khác nhau thế nào?

Hỏi: Thưa cha, con có câu hỏi này muốn hỏi cha: Giữa cha triều và cha dòng có gì khác nhau không? Và con cũng xin hỏi thêm là ơn gọi đến với từng người làm sao thưa cha? Con cám ơn cha nhiều lắm! 
(Lê Hoàng Tuấn Kiệt)


Đáp:
Anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt thân mến,

“Triều” và “Dòng” là những từ ngữ khác nhau được dùng để chỉ về hai lối sống khác nhau trong cộng đồng Giáo Hội.

Đa số các linh mục trên thế giới là các linh mục triều (secular priests), phục vụ trong các giáo xứ, ở giữa dân chúng hay “giữa thế gian” (theo tiếng Latin, thế giới là “saeculum”).  Các linh mục này còn được gọi là các linh giáo phận (diocesan priests).  Còn một số linh mục khác, họ là những phần tử của các dòng tu, thuộc những cộng đồng tu trì mà ngày nay gọi là các tu hội đời tận hiến (religious priests). Sự khác biệt chính yếu là các linh mục triều không tuyên giữ ba lời khấn bậc tu trì như các linh mục dòng, mặc dù các linh triều cũng hứa vâng lời Đức Giám mục và hứa sống trinh khiết độc thân nhưng không khấn giữ đức khó nghèo như các tu sĩ.

Các linh mục triều là các linh mục “nhập tịch” vào giáo phận, trực thuộc giáo phận, trực tiếp dưới quyền Đức Giám mục giáo phận, vâng lời và thi hành chức vụ linh mục, đảm nhận những công tác do Đức Giám mục chỉ định. Chủ yếu các linh mục triều là phục vụ trong các giáo xứ, thi hành việc mục vụ. Thông thường, các linh mục triều hoạt động trong địa hạt giáo phận của mình.

Trái lại, các linh mục dòng là các cha hội nhập vào các dòng tu, là tu sĩ, phần tử của các dòng tu, tuyên giữ lời khấn dòng (khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời bề trên), trực tiếp vâng lời bề trên dòng trong mọi sự việc và đảm nhận những công tác do bề trên chỉ định. Các công việc của các linh mục dòng tùy thuộc đoàn sủng mỗi dòng. Họ có thể thi hành những việc về phụng vụ, quản trị, mục vụ, truyền giáo, giáo dục, xã hội, y tế, nghệ thuật, truyền thông, lao động… Các linh mục dòng có thể được gửi đi hoạt động bất cứ nơi nào nhà dòng được phép hoạt động. Các cha dòng cũng được bề trên gửi đến các giáo phận để phục vụ như các cha triều và trong khi phục vụ chúng ta cũng khó phân biệt họ với linh mục triều.

Ngoài ra, trong thực tế, ta còn thấy sau chữ ký hay danh xưng của các linh mục dòng còn có thói quen viết thêm chữ tắt tên của dòng mình như: 
  • S.J. (Societas Jesus – Dòng Tên) 
  • O.P. (Ordo Predicatorum – Dòng Đa Minh)
  • O.F.M. (Ordo Fratrum Minorum – Dòng Thánh Phanxicô)
  • CSsR (Congregatio Sanctissimi Redemptoris – Dòng Chúa Cứu Thế)
  • CMC (Congregatio Matris Corredemptricis – Dòng Đồng Công)
  • M.S. (Missionarus Salettensis – Dòng LaSalette)
  • C.F.C.(Congregatio Fratrum Christianorum – Dòng Sư Huynh Lasan)
  • O.H. (Ordo Hospitalis – Dòng Bệnh Viện – Gioan Thiên Chúa)
  • S.D.B. (Società Salesiana di San Giovanni Bosco – Dòng Salesian Don Bosco)
  • O.S.B (Ordo Sancti Benedicti – Dòng Biển Đức)
  • S.V.D. (Societas Verbi Divini – Dòng Ngôi Lời), …


Sau đây là bảng tóm lược một số các điểm khác biệt giữa linh mục triều và dòng:



Linh mục triều (giáo phận)
Linh mục dòng
Cộng đoàn
Giáo phận
Nhà dòng
Bề trên
Đức giám mục
Bề trên dòng
Lời khấn
Không có lời khấn dòng
Có 3 lời khấn dòng
Độc thân
Độc thân
Độc thân
Khó nghèo
Được làm chủ, sử dụng của cải tiền bạc theo ý mình
Phải có phép bề trên
Sống chung
Thường không có đời sống cộng đồng
Có đời sống cộng đồng - sống chung
Linh đạo
Không có linh đạo riêng
Sống theo linh đạo của dòng
Phạm vi hoạt động
Thường trong giáo phận
Bất cứ nơi nào được sai đến
Công việc
Chủ yếu là phục vụ trong giáo xứ
Đa dạng, tùy đoàn sủng của dòng
Ký hiệu sau danh xưng
Không có
Có ký hiệu là chữ tắt tên của dòng

 Còn về ơn gọi thì tùy thuộc nhiều yếu tố theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn thích hợp cho từng người.