Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Thánh Phaolo Tống Viết Bường


* Gương Thánh nhân 
Năm 1831, lúc giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi dậy chống triều đình, các quan phải đem quân đi đánh dẹp. Vua Minh Mạng sai quan thị vệ Tống Viết Bường đi giám sát trận địa. Sau khi làm xong phận sự, ông trở về trình vua: quân lính triều đình đã dẹp được giặc. Vua hỏi: 
- Khi làm xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không? 
Ông trả lời: - Vì hoàng thượng không truyền lệnh, nên hạ thần không đến viếng. 
Vua bảo: - Theo thường lệ, mỗi khi dẹp được giặc, phải vào chùa lễ bái, sao khanh không đi? 
Ông mạnh dạn trình vua: - Vì hạ thần là người Công giáo, hạ thần chỉ thờ kính Thiên Chúa mà thôi. 
Chính vì lời tuyên xưng đức tin can đảm đó mà ông đã bị mất hết chức tước, và về sau bị bắt tống ngục, bị chém đầu để làm chứng cho Chúa, lãnh nhận triều thiên tử đạo vinh hiển. 
Phao-lô Tống Viết Bường sinh khoảng năm 1773, tại Phú Cam (Huế), trong một dòng tộc Công giáo đạo đức, và có nhiều người làm quan dưới thời vua Lê chúa Nguyễn. 
Lớn lên, cậu gia nhập quân đội và được chọn làm lính cận vệ nhà vua. Nhờ tài tháo vát và lòng nhiệt thành tận tụy, chẳng bao lâu cậu lính Bường được thăng lên cai đội, và được vua Minh Mạng tín cẩn trọng dụng. Vua thường giao cho ông nhiều công tác đặc biệt trong triều đình. 
Vì tín cẩn, nên năm 1831, khi quan quân triều đình đi đánh dẹp giặc Đa Vách ở Quảng Nam , vua đã cử ông đi thanh sát chiến trận. Và sau khi dẹp xong quân địch, ông không vào chùa Non Nước lễ bái mà còn xưng mình là người Công giáo, nên vua nổi cơn thịnh nộ, quát mắng dữ dội, định cho đem đi chém đầu. Nhưng nhờ một số quan chức trong triều đình có cảm tình với ông đứng ra can gián nài nỉ, nhà vua mới bớt cơn giận. Dù vậy, vua cũng truyền đánh ông 80 roi, cất hết chức tước, cho xuống làm lính thường. Thật là một hình phạt nặng nề tủi hổ, nhưng ông vẫn vui lòng chấp nhận vì trung thành với Chúa. 
Tưởng mọi việc đã yên xuôi, không ngờ hơn một năm sau, vua cho làm bảng danh sách người có đạo trong hàng ngũ lính thị vệ. Tất cả có 12 người, trong số đó có Phao-lô Tống Viết Bường, khi các quan trình bảng danh sách lên vua, năm người vì sợ chết nên bỏ đạo, còn bảy người bị tống giam vào ngục, cổ mang gông, tay chân bị xiềng xích khổ sở. 
Cứ mỗi 10 ngày, ông Bường bị đem ra tra tấn hành hạ, buộc đạp lên Thánh giá bỏ đạo. Thảm cảnh nầy kéo dài mãi suốt mấy tháng trời, nhưng ông vẫn can đảm cương quyết không chối Chúa bỏ đạo. Ông tuyên bố: 
- Tôi đã thờ Chúa từ nhỏ, làm sao tôi bỏ Chúa được. 
Mỗi lần nói như thế là ông phải lãnh 20 roi rất đau đớn, nhưng ông vẫn vui lòng chịu vì Chúa. Ông còn muốn chịu nhiều hình khổ hơn nữa, để thông phần vào sự thương khó Chúa. Thấy cực hình không lay chuyển nổi lòng tin mạnh mẽ của vị anh hùng của Chúa, các quan xoay qua dụ dỗ nài nỉ. Quan Thượng Thư Võ Xuân Cầu khuyên ông: 
- Bây giờ cứ hứa bỏ đạo đi, rồi sau nầy muốn làm gì thì làm. 
Nhưng ông trả lời: - Cám ơn quan đã có lòng thương tôi, nhưng tôi phải luôn luôn trung thành với Chúa tôi. 
Thế là các quan chịu thua lòng can đảm bền chí của ông, cho quân lính đem giam lại trong ngục, chờ lệnh của vua. 
Trong ngục, ông luôn khuyên bảo các bạn bền lòng tin cậy Chúa, nhất là xin Đức Mẹ cho đặng chịu khó vì Chúa đến cùng, bằng cách cùng nhau lần chuỗi Môi Khôi mỗi ngày. 
Ngày 23 tháng 10 năm 1833, vua Minh Mạng ra lệnh trảm quyết ông. Quân lính dẫn ông ra pháp trường Thọ Đức. Đến nơi, ông quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đưa cổ cho lý hình. Sau một nhát gươm, đầu vị anh hùng đức tin đã rơi xuống đất, linh hồn bay thẳng về trời hưởng phước vinh quang… 
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 đã suy tôn ông lên bậc Chân Phước. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tôn phong ngài lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988. 

* Quyết tâm 
Noi gương thánh Phaolô Tống Viết Bường, luôn trung thành bền đỗ tin thờ Chúa, và hằng ngày siêng năng lần chuỗi Môi Khôi để nhờ Mẹ giúp chịu khổ vì Chúa đến cùng. 

* Lời nguyện 
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.