Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolo VI


Tiểu sử của Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục 

– Văn Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tục danh là Giovanni Battista Montini. Ngài chào đời tại Concesio (Brescia, nước Ý) vào ngày 26 tháng 9 năm 1897. Ngài đã theo học dòng Tên và là thành viên của Tu Hội Thánh Philip Neri tại Brescia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 5 năm 1920. 

Ngài hoàn tất chương trình triết học và luật dân sự tại Rôma, và giáo luật tại Milan. Ngài được bổ nhiệm làm tùy viên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào năm 1923, và năm sau, 1924, ngài trở lại Rôma để phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài là tuyên úy cho Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học Công Giáo Ý tại Rôma (FUCL - "Federazione Universitaria Cattolica Italiana"), và từ năm 1923 đến 1925, ngài là tuyên úy của Liên Đoàn cấp quốc gia. Trong hai thập niên 1920 và 1930, ngài đã có nhiều hoạt động về tôn giáo và văn hóa tại Ý và cả bên ngoài nữa. 

Thời gian làm việc tại Tòa Thánh của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Piô XII đánh giá cao. Giữa những năm 1930 và 1937, ngài giảng dạy môn lịch sử ngoại giao Tòa Thánh tại Đại học Latêranô, cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1937, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Dù phục vụ chủ yếu trong ngành ngoại giao, ngài đã thực hiện mọi nỗ lực để có thể tham gia trực tiếp vào các công tác mục vụ và chăm sóc cho các linh hồn; ngài cũng đã có nhiều hoạt động bác ái trong các vùng ngoại ô Rôma và đã tham gia vào tổ chức Saint Vincent De Paul. 

Trong Thế chiến thứ II, ngài tích cực giúp đỡ người tị nạn và người Do Thái và lãnh đạo phòng Báo Chí Tòa Thánh. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, ngài đã giúp hình thành Hiệp hội Công Giáo của người lao động Ý (ACLI - "Associzioni Cattoliche Lavoratori Italiani"). Ngài quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của phong trào đảng Dân chủ Kitô Giáo và cổ vũ việc hình thành các tổ chức quốc tế của giáo dân. 

Ngày 29 tháng 11 năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách hành chánh sự vụ. Ngày 01 Tháng Mười Một năm 1954, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan và được tấn phong vào ngày 12 Tháng 12 cùng năm. 

Trong giáo phận rộng lớn và phức tạp này, ngài đã sử dụng những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng hầu đối phó với sự gia tăng nhập cư và giúp người dân vượt qua chủ nghĩa duy vật và ý thức hệ Mác-xít, đặc biệt là ở những nơi làm việc. Ngài đã viết chín thư mục vụ cho Giáo Hội nghi lễ Ambrosiô, đã phê duyệt việc xây dựng trên 123 nhà thờ mới, và lãnh đạo một chương trình truyền giáo đô thị lớn nhất chưa từng có trong thế giới Công Giáo. Ngài đã thực hiện các chuyến đi đến Hoa Kỳ, Brazil và nhiều miền truyền giáo ở Châu Phi do tổng giáo phận Milan đảm trách. 

Ngày 15 tháng 12 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã từng là một người bạn thân thiết với ngài từ năm 1925, đã tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho Công Đồng Chung Vatican II và sau đó tham gia vào đại Công Đồng này. 

Vào ngày 21 Tháng Sáu 1963, ngài được bầu làm giáo hoàng với Tông Hiệu là Phaolô Đệ Lục. Trong bối cảnh nhiều thách đố trong xã hội, ngài đã đưa Công Đồng gồm 3 thời kỳ đến kết thúc thành công, khuyến khích các Giáo Hội địa phương mở cửa cho thế giới hiện đại đồng thời bảo tồn truyền thống của mình, trong khi luôn luôn tìm kiếm sự hiệp thông giữa các nghị phụ của Công Đồng. 

Ngài đã thực hiện những chuyến tông du đến khắp các lục địa, bắt đầu từ vùng Thánh Địa, nơi đã xảy ra cuộc gặp lịch sử giữa ngài với Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras. Những chuyến tông du đã đưa ngài đến Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc (1965), Fatima và Thổ Nhĩ Kỳ (1967), Columbia (1968), Geneva và Uganda (1969), và xa hơn về phía đông là Úc và Châu Đại Dương (1970). Ngài cũng thực hiện nhiều chuyến viếng thăm khắp nơi trên lãnh thổ Ý. 

Thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam Suam (1964), đề cao phương pháp "đối thoại cứu độ" trong Giáo Hội và giữa Giáo Hội với toàn thế giới. Thông điệp khác của ngài là Mysterium Fidei – “Mầu Nhiệm Đức Tin” bàn về bí tích Thánh Thể (1965); Mense Maio – “Tháng Năm" (1965) và Christi Matri - "Mẹ Chúa Kitô" (1966) khẩn cầu Đức Mẹ ban hòa bình cho thế giới; Populorum Progressio - "Sự phát triển của các dân tộc" (1967); Sacerdotalis Caelibatus - "Về đời sống độc thân linh mục" (1967); Humanae vitae "di truyền cuộc sống con người" (1968). 

Ngài đã áp dụng các văn bản của Công Đồng và thực hiện các cải tổ do Công Đồng đề xướng. Ngài đưa ra những giáo huấn về hòa bình và thiết lập ngày hòa bình thế giới. 

Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì các cuộc khủng hoảng liên tục ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thời gian đó, nhưng ngài đã tìm thấy niềm an ủi lớn lao trong việc thông truyền đức tin, và bảo đảm nền móng tín lý của Giáo Hội trong một khoảng thời gian đầy những biến động về ý thức hệ (“Năm đức tin”: 1967-1968 và "Kinh Tin Kính của Dân Chúa": 1968). Ngài đã cho thấy một khả năng đáng kể trong việc hòa giải ở mọi lĩnh vực. Ngài thận trọng trong các quyết định của mình, kiên trì những nguyên tắc đã được khẳng định, và hiểu biết sự yếu đuối của con người. 

Bằng cách viếng thăm thường xuyên những nơi làm việc và với tông thư Octogesima Adveniens (1971), ngài đã chứng minh cho thế giới thấy mối quan tâm thận trọng và chu đáo của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội. Ngài thử nghiệm những cách thức mới để truyền bá đức tin (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 1975), và chia sẻ cách trìu mến những đau khổ của người nghèo. Ngài bảo vệ các giá trị của gia đình và của chính cuộc sống, chống lại ly dị và phá thai. Ngài phải đối diện với những căng thẳng chính trị và xã hội ở một số nước lên đến mức tạo ra những hình thức bạo lực và chủ nghĩa khủng bố; sự phản đối chân thành của Đức Phaolô Đệ Lục đối với bạo lực này được cảm nhận trên thế giới. 

Ngài có một cá tính thâm trầm, khiêm tốn và dịu dàng, tin tưởng và chân thành, và có một sự nhạy cảm nhân bản đặc biệt. Ngài là một người có tâm linh sâu sắc - được hình thành trên Kinh Thánh, và trên giáo huấn của các nghị phụ, cũng như các nhà thần học lừng danh trong Giáo Hội. Ngài đã cho thấy đức tin mạnh mẽ, niềm hy vọng vững vàng, và một cuộc sống hàng ngày đầy tình bác ái, thận trọng và đơn giản. Lời cầu nguyện của ngài, đâm rễ sâu trong lời Chúa, phụng vụ và chầu Mình Thánh, tập trung vào Chúa Kitô và được củng cố bởi một lòng sùng kính gương mẫu dành cho Đức Mẹ (Tông huấn Marialis Cultis, 1974). 

Từ khi bắt đầu sứ vụ thánh Phêrô của mình, ngài đặc biệt quan tâm đến thệ hệ trẻ, chia sẻ với họ, và với tất cả các tín hữu niềm vui đức tin (Tông huấn Gaudete in Domino, 1975) và "nền văn minh tình yêu" (Năm Thánh, 1975). 

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã qua đời tại Castel Gandolfo sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh vào ngày 6 tháng 8 năm 1978 đang khi đọc kinh Lạy Cha. 

Hai kiệt tác của ngài về tâm linh và tình yêu dành cho Giáo Hội vẫn còn là những tác phẩm thời danh, đó là cuốn Pensiero alla Morte ("Một suy niệm về cái Chết") và Testamento ("Chứng tá"). 

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố rằng Đức Phaolô Đệ Lục đã "sống một cuộc sống với nhân đức anh hùng" vào ngày 20 Tháng Mười Hai 2012.